Chân dung người đứng sau Krafton - đế chế trị giá tỷ USD của Hàn Quốc sở hữu game bom tấn PUBG

14:52 22/05/2022

Vị chủ tịch với "tinh thần kỳ quái", dám dấn thân vào thị trường chưa từng khai phá cùng một vị CEO mang những ý tưởng tiềm năng, sự kết hợp hài hòa của bộ đôi Krafton đưa công ty từng bước trở thành đế chế game hàng đầu của Hàn Quốc.

Chang Byung-gyu là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Krafton, đế chế đứng sau tựa game PUBG phổ biến trên toàn thế giới. Ông đã góp mặt vào danh sách những tỷ phú tự thân Hàn Quốc sau đợt IPO trị giá 3,8 tỷ USD của Krafton hồi tháng 8/2021. 

Hiện vị tỷ phú 48 tuổi này đang là cổ đông lớn nhất của Krafton với 14,4% cổ phần. Ông thuộc thế hệ doanh nhân khởi nghiệp công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc cùng với Lee Hae-jin và Kim Jung-ju. Lee Hae-jin được biết đến là người thành lập Naver, công cụ tìm kiếm hàng đầu tại Hàn Quốc còn Kim Jung-ju là nhà sáng lập công ty trò chơi Nexon được niêm yết tại Tokyo.

Chang Byung-gyu: "Kiệt tác được tạo nên từ quá trình đầy tổn thương và kiên nhẫn"

Trong thập niên 1990, khi còn theo học ngành Khoa học máy tính tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, chàng trai trẻ Chang Byung-gyu đã bắt đầu kinh doanh bằng cách tạo ra hồ sơ quá trình thành lập các công ty khởi nghiệp và bán cho các công ty lớn. 

Năm 1996, ông cùng các bạn trong lớp bắt tay sáng lập dịch vụ truy cập internet Neowiz, cung cấp dịch vụ One-Click giúp việc truy cập trực tuyến ở những ngày đầu dễ dàng hơn. 9 năm sau, ông thiết lập công cụ tìm kiếm 1Noon và bán lại cho Naver với giá 35 tỷ won (28 triệu USD).

Năm 2007, ông thành lập Bluehole Studio, tiền thân của Krafton ngày nay. Ông đã lên kế hoạch xây dựng MMORPG, một cường quốc game thể loại nhập vai trực tuyến với lượng người chơi đông đảo. Thế nhưng "vạn sự khởi đầu nan", trò chơi đầu tiên do Bluehole phát hành - Tera - không thành công như mong đợi.

Không bỏ cuộc, ông mua lại một số hãng game trong nước như Ginno Games, Bluehole Ginno Games,... và tiếp tục ấp ủ kế hoạch. Năm 2017, tựa game sinh tồn PUBG ra đời và nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới với hơn 1 tỷ lượt tải xuống.

2022-05-18_16-30-52

 

Tỷ phú tự thân Chang Byung-gyu.

Vị tân tỷ phú tiết lộ bí quyết mang đến thành công cho Krafton là không sợ hãi khi đối mặt với những thứ xa lạ. Đó chính là "tinh thần kỳ quái" của công ty và cũng là yếu tố đã thúc đẩy Krafton thâm nhập thị trường đất nước tỷ dân Ấn Độ -  điều mà rất ít công ty game của Hàn Quốc dám thử lúc bấy giờ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Chang cho biết, "Ấn Độ không phải là thị trường dễ tiếp cận nhưng chúng tôi đã làm được, ngay cả thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Chỉ cần thấy cơ hội, chúng tôi sẽ thử và nhân rộng điều đó trên toàn cầu. Đó là phong cách của riêng Krafton."

Lòng can đảm cùng tầm nhìn của nhà phát hành PUBG đã giúp ông trở thành tỷ phú tự thân từ sau thương vụ IPO lớn thứ 2 Hàn Quốc. Với 14,4% cổ phần, ông Chang đang nắm giữ khối tài sản trị giá 3.500 tỷ won (tương đương 3 tỷ USD).

Krafton có được thành công như ngày hôm nay một phần nhờ vào trình độ kỹ thuật. Theo ông Chang, phát hành game tương tự như việc sản xuất bất kì mặt hàng hay sản phẩm nào, cần có chất lượng tốt và độ tinh tế. "Keep the craftsmanship on" (Nâng cao trình độ kỹ thuật) là phương châm của công ty, và cũng là nguồn gốc của cái tên Krafton.

Nhưng để theo đuổi lý tưởng thì phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều. Tất cả những nhân viên của bất cứ startup công nghệ nào tại Hàn Quốc và trên thế giới đều phải làm việc căng thẳng trong nhiều giờ liền. Khi ra mắt một dự án mới, các nhà phát hành game thường bắt đầu công việc từ 10 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ đêm mỗi ngày. 

Chủ tịch Krafton từng tiết lộ bản thân ông ở độ tuổi 20 cũng từng làm việc đến 100 giờ mỗi tuần khi thành lập Neowiz. Ông tiết lộ, "Kiệt tác được tạo nên từ quá trình đầy tổn thương và kiên nhẫn".

Kim Chang-han và Brendan Greene - trụ cột của Krafton

Một trụ cột khác của Krafton không thể không nhắc đến là CEO Kim Chang-han. Trước kia, ông là Giám đốc công nghệ của Ginno Games và gia nhập Bluehole Studio sau khi Ginno Games bị mua lại vào năm 2015.

Không lâu sau, ông Kim đã đưa ra những ý tưởng phát triển một tựa game với 100 người chơi trên hòn đảo xa xôi, vận dụng chiến lược và kỹ năng sử dụng vũ khí để phân thắng thua. Đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của PUBG trong năm 2017. 

Sau đó, ông chiêu mộ Brendan Greene, một nhà phát triển game người Ailen. Brendan được biết đến với biệt danh "PlayerUnknown" và là người phát minh ra thể loại battle royale (game bắn súng sinh tồn). Brendan đảm nhiệm vai trò Giám đốc của các dự án đặc biệt của PUBG Corp do Krafton sở hữu.

2022-05-18_16-31-13

 

CEO Kim Chang-han (trái) và Giám đốc sáng tạo Brendan Greene (phải).

Ông Kim vốn là tiến sĩ Khoa học máy tính, có nhiệm vụ nghiên cứu để áp dụng công nghệ mới vào trò chơi. Công ty cũng lên kế hoạch dùng một phần số tiền huy động được từ đợt IPO để chiêu nạp thêm 100 nhà nghiên cứu về lĩnh vực này. 

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5, vị CEO của Krafton cho biết ông và Chang Byung-gyu như hai thái cực trái ngược của công ty. Ông Kim thường vội vàng "chạy" dự án mới còn ông Kim như một "cái phanh" luôn cẩn trọng xem xét tiềm năng.

"Ông lớn" Tencent

Một thế lực khác hậu thuẫn cho sự phát triển mạnh mẽ của Krafton là "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Tencent. Với 13,6% cổ phần, Tencent hiện đang là cổ đông lớn thứ hai của Krafton. Từ tháng 11/2018, phó chủ tịch cấp cao của Tencent - Ma Xiaoyi - được bổ nhiệm thành Giám đốc Krafton.

Sau khi đạt được thỏa thuận để phát hành game dưới nền tảng di động ở Trung Quốc, Tencent bắt đầu phát triển PUBG Mobile (PUBG bản di động) và đưa ra thị trường thế giới trong năm 2018. Không lâu sau, trào lưu PUBG bùng nổ với hơn 1 tỷ lượt tải về.

Tựa game của nhà Krafton trở thành xu hướng hàng đầu trên toàn cầu, liên tiếp lọt vào top game có thu nhập khủng nhất trên thế giới. Tencent chính là đối tác kinh doanh quan trọng của Krafton với vai trò đưa PUBG thành tượng đài của thể loại game bắn súng sinh tồn.

Tháng trước, Krafton cũng đã hỗ trợ tập đoàn của Trung Quốc phát triển trò chơi battle royale của riêng mình, có tên "Game for Peace".

Trong bản cáo bạch IPO, đế chế game Hàn Quốc tiết lộ: "Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ cho 'Game for Peace' do Tencent phát hành tại thị trường Trung Quốc, đồng thời thu lợi nhuận theo cơ cấu".

Báo cáo năm 2020 của SensorTower chỉ ra, PUBG Mobile (bản phát hành toàn cầu) và Game for Peace (phiên bản Trung Quốc) đạt doanh thu 2,6 tỷ USD, trở thành game di động có lợi nhuận cao nhất. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Krafton. 68,1% doanh thu của Krafton trong năm 2020 đến từ "một nhà phát hành". Dù không nhắc tên nhưng theo Nikkei Asia đó chính là Tencent.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới