Tập đoàn Thiên Long (TLG): 4 Phó Tổng giám đốc luân chuyển công tác trong bối cảnh kinh doanh âm dòng tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng

10:45 23/09/2024

Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền đầu tư của Thiên Long lại gặp vấn đề lớn khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư quý 2 và 6 tháng đầu năm đều âm.

4 Phó Tổng giám đốc luân chuyển công tác

CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã ck: TLG) mới đây đã thông qua nghị quyết HĐQT liên quan đến việc cơ cấu lại các chức danh quản lý. Theo đó, bà Võ Thị Hải Hà sẽ thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tài chính Kế toán để giữ chức vụ Phó tổng giám đốc công ty.

photo1671181980134-16711819802562127439767_8e4098d5

 

Trong khi đó, Thiên Long sẽ miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc của 4 cá nhân khác bao gồm ông Bùi Văn Huống, Phó tổng giám đốc chuỗi cung ứng; ông Trần Trung Hiệp, Phó tổng giám đốc Phát triển thị trường; bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc Phát triển kinh doanh và ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng giám đốc Công nghệ thông tin.

4 cá nhân trên sẽ được bổ nhiệm chức vụ mới theo cơ cấu hệ thống chức danh mới phù hợp với điều lệ công ty. Cụ thể, ông Bùi Văn Huống giữ chức vụ Giám đốc Khối Chất lượng và Chuỗi cung ứng, ông Trần Trung Hiệp giữ chức Giám đốc Khối Phát triển thị trường, bà Lê Bích Ngọc giữ chức Giám đốc Khối phát triển kinh doanh và ông Nguyễn Đức Hạnh giữ chức Giám đốc Khối Công nghệ thông tin.

Thiên Long cho biết việc các nhân sự trên được bổ nhiệm với chức danh mới không làm thay đổi nhiệm vụ đã được phân công trước đó mà chỉ là bước để điều chỉnh và tái cấu trúc hệ thống chức danh. Sau cơ cấu, Thiên Long hiện còn Tổng giám đốc điều hành là bà Trần Phương Nga, Phó tổng giám đốc là bà Võ Thị Hải Hà và các giám đốc khối.

Thiên Long tiền thân là Cơ sở bút bi Thiên Long, được thành lập năm 1981, bắt đầu đầu tư trang thiết bị và xâm nhập thị trường bút viết trong nước. Năm 1996, Công ty TNHH SX-TM Thiên Long ra đời. Đến năm 2005, Thiên Long chuyển đổi thành công ty cổ phần, sau đó niêm yết trên HoSE từ 2010.

Tập đoàn chuyên cung cấp sản phẩm, văn phòng phẩm, dịch vụ phục vụ cho việc học tập, làm việc, sáng tạo với thương hiệu nổi tiếng “Bút bi Thiên Long”. Hiện doanh nghiệp có 5 nhãn hàng: Bizner, Colorkit, Thiên Long, Điểm 10 và Flexoffice. Đáng chú ý, Thiên Long đang có tham vọng nâng tầm thương hiệu FlexOffice trở thành thương hiệu được nhận diện hàng đầu về bút viết và văn phòng phẩm tại Đông Nam Á.

Dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ

Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, Thiên Long ghi nhận doanh thu đạt 1.207 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp đạt 48,5% cao hơn so với mức 44,7% của cùng kỳ, tương ứng lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 586 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo Thiên Long cho biết trong quý 2, sức mua thị trường nội địa có dấu hiệu phục hồi. Điểm sáng trong giai đoạn này còn đến từ sự tăng trưởng doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, quản trị chi phí hiệu quả và thu nhập tài chính tăng do chênh lệch tỷ giá cũng tác động tích cực đến lợi nhuận sau thuế.

Luỹ kế 6 tháng, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần gần 2.016 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 330 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ 2023. Năm nay, Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt mức kỷ lục 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 380 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 10% và 7% so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 86,8% mục tiêu lợi nhuận.

Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền đầu tư của Thiên Long lại gặp vấn đề lớn. Trong quý 2, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này âm đến gần 219 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 81 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư 6 tháng đầu năm cũng âm gần 185 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 32 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới