Chống thất thu thuế, hạn chế rửa tiền
Để khắc phục những bất cập trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản như: lúng túng “xác định giá đúng”, người dân khai "gian" giá chuyển nhượng dẫn đến thất thu thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng bất động sản; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng.
Đồng thời, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội tuần vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhìn nhận, thời gian qua có sự trốn thuế, trục lợi về thuế chuyển nhượng bất động sản.
Bộ trưởng dẫn chứng, có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, có trường hợp kê khai lại gấp đến 40 lần.
Để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để tăng cường minh bạch trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Trước đó, tại đề án “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh BĐS”, Tổng cục Thuế cũng đề nghị quy định, kinh doanh BĐS chỉ được thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiệp hội đã kiến nghị quy định như vậy cách đây 10 năm và cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), trong đó có đề xuất người mua bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nhằm thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.
“Trước đây, mỗi cá nhân có nhiều giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu (cán bộ công chức nhà nước có thêm hộ chiếu công vụ), nhiều số tài khoản ngân hàng. Vì vậy, khó kiểm soát kê khai dòng tiền mua BĐS. Tuy nhiên, với chương trình cấp mã số định danh cá nhân, mỗi cá nhân sẽ chỉ còn một mã số định danh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện yêu cầu chuyển nhượng giao dịch BĐS qua ngân hàng”, ông Châu cho biết.
Theo HoREA, thời gian qua, nguồn tiền đầu tư vào BĐS chủ yếu từ: Tiền nhàn rỗi, tích lũy; vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và kiều hối (khoảng 20% kiều hối đầu tư vào BĐS. Hiệp hội này đề nghị Nhà nước quan tâm, kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua BĐS để rửa tiền.
Thanh toán qua ngân hàng là hợp lý
Theo lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Việc này sẽ góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.
“Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân về các lợi ích khi mua bán không dùng tiền mặt và cơ quan quản lý cũng cần áp dụng đồng bộ với các quy định liên quan để minh bạch thị trường…”, Hội Môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thời gian qua, Chính phủ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm góp phần giúp nền kinh tế minh bạch, hiệu quả. Các giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế. Nằm trong xu hướng và chính sách chung như trên, việc giao dịch BĐS phải chuyển tiền qua ngân hàng là hợp lý. Hiện BĐS là tài sản lớn cần kiểm soát minh bạch, nhất là nguồn tiền để mua BĐS. Ngoài ra, thanh toán qua ngân hàng cũng đảm bảo an toàn cho cả người bán và người mua.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bổ sung quy định chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà đất 2 giá. Chuyển tiền chuyển nhượng BĐS qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế.
Bên cạnh việc yêu cầu chuyển nhượng BĐS phải chuyển tiền qua ngân hàng, cơ quan chức năng phải làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng, công chứng giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá trị thực. Từ đó, từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 8/6, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc lại quy định của pháp luật cho phép sử dụng bảng giá đất do chính quyền sở tại công bố làm căn cứ thu thuế và lưu ý “đây cũng là một lỗ hổng về thất thoát tiền thuế của Nhà nước”.
Minh họa cho lập luận này, ông Phớc - người chịu trách nhiệm về thu ngân sách quốc gia cho biết sau khi ngành thuế quyết liệt chỉ đạo, “bốn tháng đầu năm 2022 đã thu được 16.200 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỉ đồng. Có những trường hợp ở TP.HCM sau khi được vận động, tuyên truyền, giải thích thì từ 500 triệu đồng kê khai lại lên 10 tỉ đồng. Chúng tôi có đầy đủ danh sách. Việc này mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước”.
“Bộ Tài chính đánh giá vừa qua có sự trốn thuế, trục lợi thuế nên chúng tôi có 2 văn bản siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, từ đây gián tiếp chống đầu cơ bất động sản’, ông Phớc nói.
Về số thu, theo Bộ trưởng Tài chính, trong 5 tháng 2022, tổng thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16.200 tỉ đồng (vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỉ đồng). Đáng chú ý, có trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng nhưng sau đó được cơ quan thuế giải thích kê lại thành 10 tỉ đồng, có nghĩa gấp 20 lần. Có trường hợp gấp 40 lần, song bình quân chung mức kê khai lại tăng gấp 6 lần.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, Bộ đang đề nghị địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh và dữ liệu mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong thu thuế bất động sản qua chuyển nhượng.