Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trước ngày 31/7
Bộ Tài chính cho biết 6 tháng, tổng khối lượng phát hành đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN, Bộ này thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ Tài chính; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN.
Bộ này yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan liên quan báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7.
Bộ Tài chính ra chỉ đạo "nóng" sau nhiều bất thường trong phát hành TPDN.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành trái phiếu dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và tiến hành thanh tra.
Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN, hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành.
Cơ quan quản lý cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành TPDN.
Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN Việt Nam đang có sự phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần nhất. Đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng hư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định, kênh dẫn vốn TPDN rất hiệu quả, nhưng không phải dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh, chất lượng quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chí nhất định thì mới tận dụng được kênh dẫn vốn, để huy động và phát triển mạnh hơn.
“Trên các thị trường lớn trên thế giới, thị trường TPDN không dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với những doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường trái phiếu, phải đáp ứng những tiêu chí và điều kiện nhất định về chất lượng của tổ chức phát hành, như quy mô hoạt động, uy tín trên thị trường, năng lực quản trị, mới có thể phát hành TPDN”, Tổng thư ký VBMA cho biết.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, thị trường TPDN phát triển nóng thời gian qua, ẩn giấu nhiều hệ luỵ cho nhà đầu tư. Vì vậy, trái phiếu phát hành trên thị trường, dù dưới hình thức riêng lẻ hay công chúng, đều cần có tổ chức trung gian, cần người đại diện sở hữu trái phiếu, đó là tổ chức trung gian tài chính có năng lực, giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp theo các điều kiện chào bán. Họ cũng chịu trách nhiệm trong về thủ tục pháp lý, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
“Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng điều kiện chào bán, các đơn vị này ngay lập tức phải kích hoạt điều khoản chấm dứt trước hạn, lập tức yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu. Nếu doanh nghiệp không lập tức mua lại trái phiếu, ngay lập tức xúc tiến ngay các thủ tục liên quan đến pháp lý, để siết và xử lý tài sản”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh đề xuất.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cần có các chế tài xử phạt nghiêm, có tính răn đe cao để tăng tính an toàn trên thị trường, tạo sự yên tâm cho người tham gia. Theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền, chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.
“Nên chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường TPDN cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại, thì các chế tài mới có tính răn đe cao”, TS. Nguyễn Đức Độ kiến nghị.