Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 7955/BTC-QLG gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp cần thiết, các sở, ban ngành có thể căn cứ vào thẩm quyền và điều kiện thực tế để trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục bình ổn giá.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp chủ động rà soát phương án giá kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng.
Qua đó, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, cần rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuộc thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường.
Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải… để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiết gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về giá cũng phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau 5 lần giảm giá liên tiếp, hiện giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đã rẻ hơn khoảng 7.580-8.200 đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2022 và về mức cuối tháng 10/2021. Tại kỳ điều hành hôm 11/8, mỗi lít xăng E5RON92 không cao hơn 23.725 đồng/lít (giảm 904 đồng/lít); xăng E5RON92: không cao hơn 23.725 đồng/lít (giảm 904 đồng/lít); Dầu điêzen 0.05S về 22.908 đồng/lít (giảm 1.000 đồng/lít), Dầu hỏa 23.320 đồng/lít (giảm 1.213 đồng/lít); riêng dầu mazut 180CST 3.5S không giảm so với kỳ điều hành trước, giữ ở mức 16.548 đồng/kg.
Mặc dù, giá xăng dầu đã đi xuống, song giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu, dịch vụ vận tải vẫn neo cao hoặc mức giảm nếu có còn khiêm tốn.
Gần nhất, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các Bộ ngành, UBND các tỉnh, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.